Có gì mới?
Chào mừng bạn đến với diễn đàn Hiệp hội bóng bàn Việt Nam VTTA

Vũ khí cho người mới tập chơi

P-500

Top Contributor
Đáng lẽ ra em không định viết chủ đề này, vì những gì trong đây chỉ là nhắc lại những bài viết trước đó - nói đi nói lại là nói dại, ông bà ta cũng nói vậy. Nhưng mà cứ đọc hoài những thắc mắc "mới tập chơi - lựa vợt", "lựa mút cho Bh và Fh", "iem đánh loại XYZ có được không?",...đến phát chán. Mà đâu chỉ có ở các diễn đàn VN, trên mytt.net cũng đầy các topic như thế, người post lên cũng chẳng thèm nhấn nut search hoặc tự tìm hiểu - thích thì hỏi ngay. Nhưng ít ai trả lời đúng, phần đông cũng thuộc dạng "thích gì thì nói cái đó". Mặc dù những bài viết giá trị như thế này, hoặc như vầy có khá nhiều nhưng ít ai thèm xem tới. Nhiều người cảm thấy cái trang http://www.tabletennisdb.com/ này có vẻ không đáng tin (vì ít thông tin quá), nên thích đọc các "rì viu" từ mấy ông cớm kẹ chuyên thử vũ khí (tạm gọi là EJ). Phần đông mấy ông hay viết bài review được các hãng bóng bàn tài trợ đồ chơi free, trên mytt có Yogibear là ví dụ, còn hùi đó em cũng thường được mấy đại gia bóng bàn cho mút và vợt - đổi lại phải viết cho nhiều về vũ khí, càng nhiều càng tốt nhưng....cấm chê! Bởi vậy càng đọc nhiều càng loạn, mới thấy cái này tốt thì có cái kia tốt hơn, cuối cùng thì cũng nhắm mắt rước đại một em "top của top" về rồi vài hôm khác lại thất vọng đi đổi lại - dĩ nhiên là mất tiền. Tiền mất nhưng tật lại mang, cái ghiền "chạy đua vũ trang" vì ảo vọng rằng có thể cải thiện một số kỹ năng bằng cách đổi vũ khí. Mấy bài rì-viu hay quá mà, lúc thì bảo miếng này xoáy lắm, giật moi cực tốt - mà tui dỡ khoản này, hy vọng sắm về sẽ khấm khá hơn chăng? Có cây vợt thì bảo bắt ngắn hay lắm - em nào yếu khoản ấy cũng ngày đêm mơ mộng "chắc là tại cốt vợt nên tui mới bắt ngắn dở như thế". Có bác còn tuyên bố chắc như bắp rang "cây này chơi mút Tàu hợp lắm, cây kia đánh không ngon đâu", hỏi hợp như thế nào, mút Tàu có bao nhiêu loại thì bác ấy bí lù! Chính vì cái thời thông tin nhiễu như thế nên em đành phải hệ thống lại - các bác bán hàng sẽ buồn một tí nhưng người chơi sẽ đở tốn kém vô ích. Chỉ buồn chút xíu nhưng sẽ vui lại ngay, vì khi người ta có niềm tin đúng, họ thấy kết quả khả quan thì họ cũng không ngại bỏ tiền ra mua sắm - còn hơn là mua bậy bạ rồi nghỉ chơi, hoặc mua 1 cây "bảo kiếm" về chơi cả đời. Em dạy đệ tử, một năm nó cũng buộc phải đổi vợt 1-2 lần, để phù hợp với lối chơi mới hoặc trình độ mới.

Đầu tiên, em xin nhấn mạnh rằng em chẳng được tiền nhuận bút từ bất cứ hãng nào hết - ngược lại em cũng chẳng ghét bỏ ai cả, nên em cũng sẽ chẳng trả lời rõ ràng "nên chơi vợt loại này, mút loại này, của hãng này,..". Các bác phải tự quyết định lấy, dựa trên cái khung sườn cách thức lựa chọn mà em đã vẽ ra. Thứ nhì, các bác phải luôn đặt dấu hỏi trước các bài review hoặc các lời khuyên "chân thành". Ngay cả bài viết này, các bác cũng nên tìm ra các logic trong ấy, chứ không phải vì cái uy tín của em. Khi đưa ra một ý kiến nào, em luôn cân nhắc từ chiều rộng cho tới chiều sâu, thử nghiệm trước rồi mới tuyên bố - có khi sai với điều kiện thực tế của người hỏi, nhưng có mẫu số chung đúng với một số đông. Em không lấy sự thành công và ý kiến của thiểu số đem áp đặt lên đa số, rằng phối hợp kiểu này kiểu nọ mới "chuẩn". Cuối cùng, không có gì chắc chắn cả, những gì đúng với em có thể sai với các bác, nhưng trên lý luận thì em vẫn phải nói ra và bảo vệ điều ấy - bằng con chữ.

Cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của em khác đa số, cho nên các bác sẽ lấy làm lạ tại sao em không bao giờ nêu cụ thể tên của một loại mút hoặc vợt - mà thường nói chung chung. Còn em thì không hiểu nổi tại sao các bác lại muốn chỉ rõ loại nào để mà xách tiền ra tiệm mua về đánh ngay. Sự khác nhau về tư duy và hành động khiến cho hai bên khó làm việc: sự giúp đỡ của em không hiệu quả mà các bác cũng chẳng cảm thấy hài lòng. Nói ví von theo nghề nghiệp của em, bác muốn đập sửa cái toalét hoặc xây thêm cái phòng ngủ, bác muốn em chỉ ra loại gạch với XM nào hợp mà rẽ. Còn em thì đòi phải có bản vẽ thiết kế, ý kiến của Kỹ Sư và nhà thầu,...xong đâu đó rồi thì em đưa cho bác một....trang list dài lòng thòng có đủ các thứ gạch đá XM bao gồm nhiều nhà cung cấp và đủ hạng mục khác nhau, tha hồ lựa chọn - thế cũng huề vốn. Nhưng cách của em giải quyết rốt ráo nhất và cũng ít sai sót nhất.

 

P-500

Top Contributor

Đầu tiên phải xác định mục đích và mong muốn, sự cần thiết và lý do chính đáng (1). Bởi vì nếu bác chỉ vì có tiền muốn mua nhiều để làm giàu cho bọn Tàu thì em không có ý kiến - đó là tự do của mỗi người. Sau khi đã xác định được những đòi hỏi cho cái cần mua, thì chúng ta mới dùng kiến thức và kinh nghiệm, cộng với các điều kiện thực tế (trình độ, lối đánh,..) thì mới có được các kiểu hình combo chung (2). Từ đó mới có các cấu hình vợt và các thuộc tính của mút (3) để cho phù hợp với (2) - cần khá nhiều kiến thức về cốt và mút trong giai đoạn này, có thể liên hệ các bảng tính chất, các trang web dữ liệu bóng bàn để có thêm thông tin. Ở (3) thì ta đã hình thành một vài combo khá rõ ràng rồi, bây giờ chỉ cần đi lựa vợt có các tính chất như ở (3) yêu cầu, lựa 2 miếng mút cũng vậy. Tên mút và nhà sản xuất (4) theo sau chót, trong một nhà SX có nhiều miếng tương tự, mà cũng có thể tìm ở các nhãn hiệu khác (rẽ hơn hoặc phổ biến hơn). Có thể mua vợt mút mới tinh hoặc hàng cũ, có thể mua mút ghép hoặc đặt làm vợt "special made" - tùy! Lúc lựa chọn vợt và mút thì có thể tìm ai đó có chơi vợt hoặc mút "mình đang nhắm" để mượn thử, có thể tìm đọc các review từ nhiều nguồn uy tín (em nói chữ uy tín ở đây khác với chữ "uy tín" kiểu "có định hướng" như các bài viết từ các bác được hãng SX cho đồ chơi để viết review), hoặc có thể hỏi các bác EJ - họ cũng mong sữ dụng kiến thức vào những chổ có ích. Lúc này các bác nên dẹp bỏ sự ham muốn chủ quan qua một bên - tuy khả năng sai sót rất thấp - nhưng cũng có trường hợp thay đổi quá nhanh nên sinh ra các hậu quả như: xuống tay, thua độ, mất cảm giác, mất tự tin,...cho nên cần có một chút kiên nhẫn hoặc có chuyên gia cùng thử với bạn. Bởi vì vũ khí mới luôn đi kèm với kỹ thuật và chiến thuật phải thay đổi một chút cho phù hợp, để phát huy hết tác dụng - đây là thứ mà rất nhiều người thiếu.

Đó là cách làm việc của em, cái hệ thống nó đòi hỏi nhiều như thế đấy, cho nên bác nào có hỏi một câu ngắn "miếng mút X đánh Bh hay Fh được ko?" thì em cũng bó tay. Thế nhưng "người tiêu thụ" thường hành động theo số đông, thấy tự nhiên có một loại mút hay vợt mới nổi, được nhiều người vào khen quá trời thì cũng muốn mua thử. Mua về đánh không được thì cũng không dám lên nói ra, vì sợ số đông nhào vào đánh hội đồng "tại sai kỹ thuật", "tại không biết xài", "tui đánh ngon, ông Mít bà Xoài đánh khen ngon quá trời kìa..." hóa ra là mình dở nên đánh không được - thế là lại tìm nhắm tới em khác yêu tiếp! Em cũng thuộc loại thích tìm hiểu, thấy thị trường xuất hiện những mẫu mã mới thì cũng ham, cũng ngắm nghía hình và chờ đọc review - nhưng không mua đánh thử. Bởi vì theo thông thường, chỉ là "bình mới rựu cũ" thôi. Mút có thể có mấy chục thương hiệu, mấy trăm loại, nhưng quanh quẩn chỉ có vài kiểu cơ bản và cũng chỉ có vài công thức chế tạo. Vợt cũng thế, cũng tóm gọn lại chưa đầy 10 cấu trúc thông dụng. Thiên hạ sốt vó lên với dòng vợt ZJK (ALC, ZLC, SZLC,...) nhưng mua về đánh thấy thất vọng bán rẽ lại, cũng như cốt Viscaria nổi tiếng chỉ vì ZJK đánh, nhưng thực ra nó là một cốt vợt khó chơi, so với người anh em TB (TBS, TB ALC,...). Cũng như mút Tàu, nhiều người cứ nghe đồn là đánh ngon lắm, ngon thế nào thì hỏng biết nhưng giá mắc hơn Tenergy cũng dám mua thử - xong rồi vứt bỏ. Cái người viết rằng mút Tàu đánh ngon, có thể họ không dối bạn, nhưng phải hiểu là họ đã tập chơi mút cứng bám (như miếng họ đánh) nhiều năm rồi, kỹ thuật đã chuẩn. Miếng mút ấy cũng hợp với cảm giác riêng của họ, đem lại vài chiến thắng nào đó nên cuối cùng được khen tặng dữ dội - tới chừng mút xuống hoặc thua trận thì họ đâu có viết ra.

Trong phạm vi bài này, em chỉ viết cho đối tượng MỚI TẬP CHƠI trong vòng chưa đầy 1 năm, nhằm trình bày cách giải quyết vấn đề. Đối tượng riêng thì có nhiều lắm, em chẳng thể nào viết hết, vd chọn vợt cho người chơi phòng thủ, chơi gai, người già, phụ nữ, con nít,...mỗi trường hợp khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau hoàn toàn, như một hệ phương trình nhiều biến số. Em chỉ giải một bài mẫu thôi, các bác tự về nhà làm bài tập nhé!
 

P-500

Top Contributor

1. Người mới tập chơi là ai, họ cần gì?


Có ba ý kiến trái ngược nhau:


-Mới tập chơi thì cần gì quái vợt với mút cho đàng hoàng, cứ tìm cái gì có cán cầm và có 2 mặt tạm-gọi-là-mút, miễn đánh được trái bóng đi tới là được. Cái quan trọng là KỸ THUẬT CĂN BẢN!!!! Cứ luyện Căn Bản đi đã, rành rẽ rồi thì muốn đổi vợt gì cũng được, muốn thay đổi lối chơi thế nào cũng được. (1)


-Phải định hình trước cái mục tiêu mình muốn trở thành, nếu thần tượng ai thì cứ copy y chang vũ khí của người ấy, rồi bắt chước và luyện hoài cũng sẽ quen. Người ta đánh được thì mình đánh được, ăn thua vào SỰ TẬP LUYỆN chứ không phải ở vợt và mút! (2)


-Cứ sắm vũ khí thật mạnh thật ngon lành thì tự nhiên đánh sẽ nhanh tiến bộ hơn. Không có người chơi dở, chỉ có người chọn vũ khí không đúng! (3)


Cả 3 nhóm ấy chẳng ai nhường ai, bởi vì trong cái phạm vi hạn hẹp thì họ chẳng thấy sai ở chổ nào cả. Nhóm (1) thường thấy ở các clb Tây, kể cả clb VN bên trời Tây. Người ta cho rằng vũ khí là tự do cá nhân, khi bạn vào lớp huấn luyện, coach chẳng thèm nhìn bạn xài vũ khí gì, cứ chỉ kỹ thuật cho đánh - nếu làm không được như yêu cầu thì tại vì sai kỹ thuật. "Căn bản" của mấy bác này chỉ là vài kiểu đánh topspin xưa lắc, theo lối Châu Âu thời 20-30 năm về trước. Mấy ông coach ấy cho rằng, một khi đã nắm vững "căn bản" rồi thì muốn đánh kiểu gì cũng được, nhưng có bao nhiêu kiểu đánh thì mấy cha đó mù tịt! Vũ khí thì chỉ biết quanh quẩn có vài thứ, kể ra toàn là từ thời em chưa có mặt trên đời! Nhóm (2) được thấy nhiều ở VN, cũng nghe một vài ông hlv VN ở hải ngoại lên tiếng, mỗi khi em nhìn thằng đệ tử mới tập đánh đều đã xài Schalger Carbon với Bryce Speed. Họ quan niệm rằng "vợt nào cũng có cái hay cái dở, quan trọng là mình tập luyện để xài hết cái thế mạnh và khắc phục hết các điểm yếu là thành công". Ông thầy ở VN cầm Sadius, thần tượng Quang Linh nên cả đám học trò đều xài Sadius hết, tập luyện chỉ xung quanh vấn đề làm sao để giật xoáy mà chậm để bóng vào bàn, bởi vì kiểu phối hợp vũ khí ấy là "tiêu chuẩn ISO 1990" nên không cần quan tâm tới thứ gì nữa, cứ vậy mà luyện cho tới khi nào thành cao thủ thôi. Dù nhóm (1) và (2) có chổ không đúng nhưng họ cũng đã thành công ở vài mặt, đóng góp nhiều cao thủ chuyên nghiệp, chỉ có nhóm (3) là lung tung, khó tiến bộ và gặp đủ thứ trở ngại - nhưng luôn lạc quan yêu đời, vì ngày mai sẽ khác! Nhóm (3) chơi bóng bàn theo sở thích, chứ không vì thành tích - bởi vì rất khó hình thành kỹ thuật, sự tự tin và lối chơi, khi mà niềm tin vào vũ khí của mình không có.

 

P-500

Top Contributor

Cả 3 thái cực ấy không dung hòa lẫn nhau, nên đều....sai bét. Hậu quả là kéo dài thời gian tập luyện một cách lãng phí, sác xuất thành công thấp và không thể vươn cao (vì nặng nề cố chấp quá). Quan điểm của em là nên đứng giữa và dung hòa cả 3 góc ấy. HLV không phải là người dạy kỹ thuật "căn bản", cũng không phải là cái khuôn ép, dĩ nhiên cũng không nên cho rằng sắm vợt xịn theo thời trang là có thể đánh lối chơi mới nhất. Sau một thời gian viết bài nói về lợi ích của vợt mềm nhún, của mút bọt khí hiện đại, chê Sadius lỗi thời,...em bắt đầu nghe thiên hạ đồn về các kiểu combo mới. Vd. Innerforce ZLC + Rasant PG + Blizt S, Mapple Wood + Calibra LT + Sound, ALC + Tenergy,...hoặc nghèo hơn thì Primorac Off- với mút Tàu thế hệ mới (Venus, Mars, Mercury,..). Nói chung là em vui chút ít vì cái kết quả đạt được, bây giờ mọi người đã bắt đầu suy nghĩ thoáng hơn, nhưng cũng lo lắng lắm vì có nhiều bác mới tập chơi lại sắm vũ khí rất khó điều khiển - chẳng thà Sad+Bryce còn dễ đánh hơn. Trước đây thì đơn điệu và độc bá võ lâm, giờ thì có nguy cơ loạn cào cào sứ quân - cái nào cũng nguy hiểm cả! Ngày xưa em biết, bà con chỉ nói "Off+ là nhất", "xài Sriver hay Mv, sau đó lên Bryce", bây giờ đọc các diễn đàn thì vợt nào cũng là nhất mà mút nào cũng vô địch - biết chơi thứ nào! Cuối cùng thì những cô cậu "trẻ con nghiêm túc" biết phải bắt đầu từ đâu đây?


Từ cái chổ đầu tiên: bạn thực sự cần gì? Người mới tập chơi cần gì nhỉ - dưới đây là bảng khảo sát của chương trình TV show "Ai là triệu phú":


-Cần đánh cho qua lưới vào bàn. Bởi vì nếu đánh đúng kỹ thuật mà bóng vẫn sụp lưới hoặc ra ngoài thì quả là vấn đề không nhỏ. Hơn nữa, mới tập chơi nên làm quái gì có "kỹ thuật đúng", cho nên cần phải có cái thứ vũ khí nào "dễ tánh" một chút, lỡ đánh sai nó vẫn vào. Theo cái nguyên lý "càng giữ được bóng lâu thì khả năng thắng càng cao", nhiều bác đánh lâu năm cũng rất sợ khi đấu với mấy thằng nhỏ khều khều mà cứ vào bàn hoài. Có những vũ khí đánh rất ngon nhưng không phải dễ xài tí nào, ai mới chơi mà xài ngay thì cầm chắc đánh không thể như ý.


-Dễ trả giao bóng. Mới tập chơi thì sợ đỡ giao bóng lắm, em chơi lâu mà vẫn sợ đấy. Nếu gặp cao thủ muốn thịt gà bằng quả giao bóng khó thì cũng chịu bó tay thôi, cầm vợt Đường Sắt mút chết thì may ra đở được. Nhưng nếu tập luyện hay thi đấu với ngang trình hoặc nhỉn hơn chút xíu, thì đở được giao bóng an toàn là lợi thế rất lớn. Ngoài ra, nói chung là các loại xoáy lạ, bóng dị,...nếu không gây khó khăn nào thì đó là vũ khí đáng mơ ước.


-Đánh cho hlv hài lòng. Đây là nhu cầu chính đáng, thầy dạy ổng bắt đánh cho mạnh và xoáy, mình không thể đổ thừa tại vợt cùn không đánh được. Thầy đòi đánh đều 100 cái, mình đánh mới 10 cái hư rồi (nhưng trình độ đáng lẽ phải đánh được 200 cái) thì ông thầy cáu lên là phải. Mới tập đánh thì hlv là ông Trời, ráng mà tập giỏi lên để biến lão thành ông Táo.


-Có lợi thế trong thi đấu. Dĩ nhiên ai mà chẳng muốn, nhưng có rất nhiều cách làm, đâu phải chỉ có tốc độ và xoáy nhiều là lợi thế - có khi đó lại chính là điểm yếu cực lớn. Lợi thế nằm ở chổ vũ khí phải làm việc "ăn rơ" với kỹ chiến thuật, phải giúp vdv phát huy hết những gì đã học đem vào thi đấu hiệu quả nhất. Người mới chơi thường chỉ có một vài rơ, ít kỹ thuật, ít sáng tạo,...cho nên lợi thế vũ khí trong trường hợp này rất lớn - nếu tính toán đúng.


-Nhẹ, dễ cầm, không đau tay. Đập vào bàn không xót của. Mới tập chơi mà đưa cho cây bảo đao 95gr thì chỉ tổ làm hại người ta mau mõi tay. Chơi vợt và mút dễ bể thì chỉ mau tốn tiền, vì vdv đó sẽ đánh bóng vào cạnh mút rất nhiều, đập vợt lên bàn cũng lắm.

 

P-500

Top Contributor

Ở đây em xé rào nói qua chuyện huấn luyện một tí (hy vọng sẽ viết một bài chuyên sâu hơn) về việc định hướng và định hình cho vdv mới tập chơi. Theo nhóm HLV thứ (1) thì chẳng cần định hướng gì hết, cứ học "căn bản" đi rồi tính. Thực ra tiềm ẩn trong đó là các ông HLV ấy đã buộc vdv chơi theo một lối chơi allround cổ điển ngay từ đầu rồi. Điều này tưởng chừng là đúng đắn, vì chơi kiểu allround "căn bản" thì chuyển qua chơi tấn công hay phòng thủ đều không quá khó. Thực tế chứng minh ngược lại, đã chơi kiểu allround thì mọi tư tưởng đã bị khóa lại ở cảm giác, timing,...rất khó chơi kiểu ôm bàn tấn công sớm, cũng khó chơi trò đở bóng xa bàn rồi phản công - các vdv tập rơ này có sự thành công nhất định ở mức độ lưng chừng, nhưng chẳng ai nổi tiếng khi chuyển qua lối chơi tấn công hiện đại cả. Nhóm (1) được định hướng chơi cốt mềm, mút lì, đánh không quá xoáy và nảy, ngay từ đầu, đó là những ông coach giỏi trong nhóm này. Những ông hlv theo đuôi cũng copy cái suy nghĩ ấy, nhưng để học trò muốn mua xài thứ gì cũng được - vì không hiểu là mình đang đào tạo ra cái rơ gì - nên thất bại thảm hại: dạy 10 đứa hên xui được 1-2 đứa. Nhóm (2) nhấn mạnh chuyện định hình rơ đánh ngay từ ngày đầu cầm vợt, hlv chính tay mua và lựa vợt cho vdv, nhưng 10 đứa khác nhau cùng xài một kiểu vũ khí - cho nó "thống nhất" để dễ dạy! Tuy được thầy chăm sóc tốt nhưng tỉ lệ thành công lại rất kém, bởi vì ông thầy đem cái "của ổng" ra áp đặt vào đám vdv. Cái "của ổng" đã lạc hậu ngần ấy tuổi đời rồi, bây giờ lại định hướng phát triển cho đám thế hệ sau. Đó là chưa kể sự khó khăn trong tập luyện, để "thuần hóa" vũ khí khủng ấy, sự khó khăn trong thi đấu khi bị đối thủ khoét vào chổ yếu của vũ khí - vì chưa biết cách khắc phục. Nhóm (3) thường là tự huấn luyện bản thân, xem youtube hoặc copy sì-tai của ai đó rồi luyện theo, nhóm này còn tệ hơn cả 2 loại trước, vì định hướng không vững vàng.

Ở đây em bàn về định hướng và định hình, một vấn đề mà ít hlv nào quan tâm. Tôi đào tạo vdv cho tương lai 5 năm sau, vậy thì tôi phải nhìn trước để đoán rằng 5 năm tới có bao nhiêu thay đổi, rơ nào sẽ chiếm ưu thế, đòn đánh nào sẽ hiệu quả nhất nhì,...căn cứ vào hiện tại và quá khứ. Khi đã đoán trước có bao nhiêu kiểu chơi hiện nay còn hiệu quả, có kiểu chơi nào sẽ tồn tại và vượt trội,...thì tôi mới định hướng học trò đi theo đường đó. Tôi vẽ ra một cái hình mẫu trừu tượng ấy rồi bắt đầu nắt nót đệ tử theo các model ấy. Từ đó tôi mới có các nhu cầu và yêu cầu để chúng phải đạt được - nghĩa là cái định hình model vdv phải có trước cả cái bãng "những gì một người mới chơi cần có" như đã thống kê ở trên. Vd như 2 năm trước đây, em nghĩ rằng "nếu bóng plastic được áp dụng thì gai công và rơ ôm bàn sẽ chiếm ưu thế", vậy là em đào tạo 2 đệ tử đánh gai công và 2 đứa đánh ôm bàn. Từ đó mới thiết kế cho chúng một đoạn đường 2-3 năm tập luyện cần phải đạt được và vượt qua những gì. Và cũng từ cái định hình ấy mới có các kiểu vũ khí mà chúng phải chơi. Định hướng và dự đoán có thể sai hay đúng, nhưng còn hơn là cứ theo lối mòn cha ông đã đi, mò mẫm bước theo.



-Vì vậy em mạnh dạn bổ sung thêm một yếu tố rất quan trọng, nhưng không đến từ chủ quan của người tập chơi – mà là từ hlv: Định hướng phát triển cho vdv ấy. Nếu ông hlv muốn đào tạo ra một thế hệ vdv đánh rơ tấn công hai càng ôm bàn, thì cấu hình vũ khí ngay từ buổi đầu phải có những thuộc tính nào rồi từng bước thêm bớt thế nào khi trình độ vdv nâng lên. Nếu hlv cho rằng tương lai sẽ ủng hộ rơ đánh gai thủ ôm bàn, bạt tốc độ là chủ đạo thì ngay từ đầu không thể chơi vũ khí mút bám bóng – chỉ tốn thời gian tập luyện, tốn thêm thời gian để quên nữa.

 
Sửa lần cuối:

P-500

Top Contributor


Khái niệm “người mới tập chơi” thực sự rất rộng. Đâu phải chỉ có con nít mới tập chơi bóng bàn, người già hoặc trung niên khi bắt đầu chuyển qua bóng bàn (từ tennis, cầu lông hay bóng đá,..) vì nhiều lý do, cũng vẫn thuộc dạng “mới tập chơi”. Con trai và con gái cũng khác nhau rất nhiều, từ sức khỏe, tư duy cho tới lối đánh – khởi đầu cũng khác nhau rất xa. Nhiều khi yếu tố thẩm mỹ (màu sắc, tên vợt,..) cũng đi theo giới tính vdv. Em thấy cây Timo Off cán màu hồng ít ai mua, giá rẽ mà chất lượng lại cao, nên em mua tặng đệ tử nữ - chỉ vì cái màu thôi mà nó thích lắm, bởi vì trước đó nó xài cây vợt…đen thui. Phụ nữ chơi bóng bàn cũng có nhu cầu vũ khí khác thanh niên, họ có thể cầm cây ZJK đánh nhưng nam nhi mà cầm cây Liu SW hoặc Ai Fukuhara thì…quỷ sứ à! Người bỏ bóng bàn 20 năm giờ chơi lại cũng thuộc dạng “mới tập chơi (lại)”, người hlv phải xác định rõ mục đích tập luyện để đưa ra lời khuyên thích hợp cho việc lựa chọn vợt: đánh cho đã tay, chơi cho khỏe, chơi vì vui (ham thắng thua) hay là có mong muốn gì xa hơn. Có hai dạng người tập chơi: đánh cho biết chứ không thích lắm, như một môn thể thao nào đó, đa số là học sinh – một tuần chơi vài buổi rồi quăng vợt chơi mấy trò khác, không cần đánh giỏi – có thể bỏ bóng bàn bất cứ lúc nào. Dạng thứ hai có yếu tố ham thích, hoặc cần thành tích (từ mong muốn của cha mẹ hoặc bản thân), mục tiêu có thể gần hoặc rất xa nhưng đã có đích nhắm và thời gian theo đuổi. Hai dạng này cũng nên có vũ khí khác nhau.


-Ở phần trên, em nói về sự tính toán chủ quan của hlv khi chọn vợt cho vdv, thế nhưng cần phải có tinh thần khách quan nữa. Định hướng là một chuyện, nhưng phải uyển chuyển và thay đổi đúng lúc. Vd em từ Q7 muốn chạy ra Q1 thì cũng có nhiều đường đi khác nhau, kẹt xe thì em lủi hẻm xé đường khác ngay - định hướng là Q1 nhưng có khi phải qua Q5 rồi mới vòng lại. Ông hlv có được đứa học trò giỏi, hí hoáy vẽ cho nó một quá trình tập luyện, nhắm đến sự thành công như Kiến Quốc. Nhưng tháng sau mẹ nó tới bảo rằng “tui muốn nó thành bác sỹ, cuối năm nay nghỉ để học ôn thi” – thế thì toàn bộ vợt mút lẫn chương trình tập luyện trong 3 năm đi vèo theo mây khói! Nhưng nếu giữ cái combo đó để dạy thằng bé trong 1 năm thì cũng chẳng ra ngô khoai gì – buộc phải tính lại ngay. Sở thích của học trò là một vấn đề lớn, nhất là những đứa cứng đầu (nhưng có tài năng),hlv không thể chủ quan được. Em có đứa đệ tử, học căn bản với ông coach rơ xưa, dạy nó cách đánh trễ kiểu Châu Âu nhưng nó thích đập hơn là giật xoáy. Cả nhà chơi bóng bàn có 1 rơ thôi, nhưng ông coach nhất định là phải theo “căn bản” trước. Khi em thử cho nó xài 2 loại vợt khác nhau: 7 lớp bạo lực và 5 lớp dai nhún, tuy vợt 5 lớp giúp nó đánh đúng với kỹ thuật trước đây nhưng nó lại thích cốt 7 lớp, dù thành tích giảm đáng kể. Nhưng nếu chiều theo nó thì những ông thầy khác sẽ phàn nàn rằng học hoài mà không tiến bộ, mà chiều theo mấy ông kia thì nó sẽ…bỏ học. Thế là sau một thời gian đấu tranh, nó chọn cốt mềm 5+2 và vươn lên cấp trên rất nhanh – cốt này không làm mất lòng ai hết, học với coach khó thì nó vẫn làm theo yêu cầu được, còn đánh tự do thì đập phá thoải mái vì đủ độ cứng.

 

P-500

Top Contributor

2. Các kiểu hình chung cho người mới tập chơi


Trước khi bàn về những kiểu hình được phát triển từ phần 1, em xin viết về các kiểu vợt dán sẵn phổ biến, được dân mới tập chơi mua xài rất nhiều.


a. Kiểu allround classic. Đây là kiểu cực kỳ phổ biến trên TG, các hãng vợt lớn như Stiga, Donic, BTY,…đều có làm sẵn những cây vợt như thế, bán rất nhiều ở các cửa hàng dụng cụ thể thao chung (không chuyên bóng bàn). Bọn Tây mới tập chơi đều mua những cây này, chúng chỉ không phổ biến ở VN do…trình độ và kiến thức cốt mút ở VN quá cao. Người ta đã nghiên cứu sẵn và chế tạo ra như thế, nên thích hợp cho mọi đối tượng. Chủ yếu là cốt 5 lớp, gỗ basswood hoặc có sang hơn thì kiểu offensive classic có lớp limba ngoài – như mấy cây Stiga hồi xưa. Hai miếng mút cũng không nãy không bám xoáy gì nhiều, khá mềm nên cực kỳ dễ đánh – đặc biệt là người mới tập chơi. Cầm cây vợt này đở giao bóng rất dễ, mà chặn đẩy cũng rất an toàn, không sợ những quả giật xoáy hay giật xung, miễn là đụng được bóng thì khả năng vào bàn rất cao. Vợt làm sẵn cũng có loại 7 lớp, có loại dán sẵn gai công để đánh ôm bàn – thích hợp với nhiều lối chơi. Tuổi thọ của chúng cũng kém và giá tiền khá rẽ, đập vào bàn không xót của. Đa số vợt nhẹ dưới 160gr.


b. Vợt Tàu phổ thông. Cũng là vợt premade nhưng của các hãng Tàu. Tuy tốc độ chậm hơn nhưng vợt được thiết kế cho rơ tấn công ôm bàn. Mút Tàu trên những cây này khá cứng (đây là câu hỏi: tại sao chúng không dán mút mềm?) và rất bám, nhưng lại cũng rất chậm. Đặc điểm nổi bật là chúng khá nặng (trên 190-200gr) và gỗ cũng thường dầy hơn. Đánh rất dễ vào bàn, có thể đánh được mọi kỹ thuật, có nhiều loại khác nhau để lựa chọn (5-7 lớp, láng và gai đều có, thìa càng nhiều hơn). Dân ta chuộng mút Tàu khủng như lại chê mấy cây này, trong khi dân Tàu mới tập chơi chẳng ai thèm nhìn tới miếng H3 lót xanh làm gì. Một số hãng Tàu làm cũng sản xuất loại vợt allround classic (cốt mỏng, mút mềm lì). Điều đáng nói ở đây là, hoặc mút cứng-bám, hoặc mềm-lì, ít thấy mềm và bám hoặc cứng mà lì.


c. Vợt VN phổ thông. Đó là cây vợt Hà Nội và Cao Su Đường Sắt VN, trước đây trong Nam có cây Minh Nghĩa. Đặc điểm vợt VN là lai Tây và Tàu, vợt nặng nhưng mút mềm và bám, tốc độ khá chậm. Vợt VN – theo ý kiến cá nhân của em – có một điểm dỡ là cán vợt xấu quá lại trơn tuột, gỗ làm vợt cũng chẳng khác nào ván ép. Nếu chỉnh chu hơn phần cán và lựa gỗ tốt hơn tí thì vợt VN cũng đáng được quan tâm.

 

P-500

Top Contributor

Ngày xưa em mà thấy ai mua mấy loại ấy là em bảo “uổng tiền quá” vì “chất lượng không tốt, mau hư”. Thời đó BTY có cây Flextra, Yuki, Stayer giá chỉ tầm bằng nửa cây Mazunov nhưng em thà mua cây Maz+2xSriver chứ nhất định không xài những cây làm sẵn ấy, vì sao? Bởi vì mấy cây ấy đánh không có xoáy và đi không nhanh!!! Mà em lại khoái giật xoáy lại mạnh nữa, cho nên đánh gần 3 năm chẳng thấy lên tay gì cả, không tập đối giật hay phản công được. Trong khi cầm cây Double Fish cùi mía dán 729 thì em lại đánh thắng trận nhiều hơn, đở giao bóng tốt mà thỉnh thoảng đối giật được mấy pha cực đẹp. Trong khi thằng bạn chẳng học hành tập luyện gì nhiều, xài cây Yuki dán 2 miếng Flextra lại đánh đẹp, thỉnh thoảng vẫn thịt em ngọt ngào. Bọn bạn bè cũng học bb chung lại thích đánh với thằng ấy, thích nó chặn cho giật, thích tập luyện với nó, chỉ vì lý do mau tiến bộ hơn là tập với em – dù em học trước rất lâu. Chơi trong trường ĐH, thỉnh thoảng em vẫn thua nhiều thằng cầm vợt Hà Nội đánh rơ rừng, dù lúc ấy em đã có thể giật trái giật phải rất đều, nhìn ra vẻ “cao thủ” lắm. Đánh với mấy tay ấy, phải nói là mất bài toàn tập, vì giao bóng không thắng chúng được, giật cũng không lủng mà chúng khều một hồi rồi đập một phát là mình toi. Đánh giải trường, em không ngại những đứa cầm Off+ hay Sadius mới tập chơi, nhưng ngại nhất mấy đứa chơi quái mà cầm vợt HN hay ĐS, mút nửa sống nửa chết.


Sau nhiều năm lựa vợt cho học trò, em chú ý đến các loại vợt premade hơn. Từ đó em mới hiểu tại sao các hãng lớn như Stiga, Donic hay BTY làm loại vợt này khá nhiều, họ tính toán rất kỹ chứ không đơn giãn như dân ta (hay em) trước nay vẫn nghĩ. Đây là một giải pháp cực hay! Sau khi xác định kiểu vợt theo lối đánh và sở thích của học trò, em mới mua cho chúng loại vợt dán sẵn, 5-7 lớp, kiểu Âu hoặc Tàu, gai hoặc láng,…rất thích hợp với những đứa học 1h nhưng tự chơi 10h. Sau 2-3 tháng (chừng 100h đập phá) thì 2 miếng mút cũng tan nát hoặc chai cứng, nhưng cái cốt vẫn còn xài tiếp được. Thế là em lột mút ra bỏ, dán loại mút “for beginner” – giống loại trước đây trên cây vợt nhưng chất lượng cao hơn. Vd chúng chơi kiểu Âu thì cho chúng mút mềm tension đời cũ, chơi rơ Tàu thì xài những miếng có độ cứng và bám vừa phải. Sau 1 năm học thì em nghĩ tới chuyện đổi cốt vợt cho chúng. Những thằng chơi cho vui rồi biến sẽ không tốn kém gì nhiều – vì vợt premade khá rẽ tiền. Những đứa bắt đầu hình thành kỹ thuật sẽ cần mút tốt hơn một chút, cũng bằng thời gian cái miếng dán sẵn kia tan nát. Những đứa bắt đầu cần cảm giác, tốc độ và sự chính xác, chúng mới cần tới các loại cốt tốt hơn (nhưng vẫn là loại cho beginner). Trong thời gian 1 năm đó, mọi thay đổi đều có thể dễ dàng áp dụng, là thời gian tìm kiếm và thử nghiệm cho tương lai nếu chúng quyết tâm tiến xa hơn. Em làm sẵn chừng 5 loại vợt (đồ cũ rẽ tiền) theo lối chơi khác nhau để cho đệ tử mượn thử, chúng tự kiểm chứng những kiến thức em dạy. Đây là thời gian hình thành lối chơi, bọn trẻ không thích rơ Tàu vẫn có thể đổi qua rơ Tây dễ dàng, không thích xoáy thì có thể đánh gai, không thích công vẫn có thể đổi qua thủ - ngay trên 1 cây vợt. Sau khi đã quyết tâm chọn hướng nào rồi thì em mới bắt đầu cho chúng đổi vũ khí, nhưng từng bước một. Vì đi lên từ cây vợt dán sẵn, nên cái combo “tự dán” đầu tiên rất ít khi sai lầm.


Từ khi nghiên cứu các cây vợt dán sẵn cho người mới tập chơi, em làm vợt “tự dán” cho mấy bác trình gà được họ khen ngợi là rất dễ đánh. Đến nổi nhiều người sau khi thử các cây vợt “dán trước” (mua cốt mút rẽ tiền về dán lên) họ sẳng sàng mua lại với giá mới 100% (vợt em dán để học trò chơi, không phải để bán). Bởi vì với cái giá 50$ cho một cây vợt có hai miếng mút tốt và cán vợt “có hiệu” là quá rẽ, chơi cả năm chưa hư. Điều quan trọng là “vợt made in tui làm” thỏa mãn hết các yêu cầu bên trên. Vợt nhẹ, cán cầm êm tay, mút bám nhưng không nãy, vợt đầm nhưng không nãy, nên đánh được mọi kỹ thuật, đánh dễ vào bàn, đở xoáy cũng dễ dàng.


Quay lại bước 2, tùy đối tượng mà chúng ta có cấu hình vợt khác nhau. Dân VN ta đa số thích đánh 1 càng – nghĩa là thích né trái giật phải hoặc bỏ càng phải giật và bắn trái ăn điểm luôn. Đa số thích ôm bàn tấn công và cần một cú “có chất lượng” để dứt điểm – dù trình bèo vẫn thích “giật mạnh”. Các ông hlv VN vẫn còn tư tưởng “xoáy là chủ đạo, giật là chính” và thường là yếu Bh nên chỉ dạy học trò giật bóng Fh mà chặn đẩy Bh. Tuy nhiên nếu là những đứa trẻ học bóng bàn thì em vẫn thấy tội nghiệp cho bọn chúng trước kiểu giáo dục cũ sì ấy. Nên nếu làm vợt cho dân lớn tuổi thì em sẽ tính toán khác những đứa còn tương lai tươi sáng phía trước – đời chúng còn dài, ai biết trước 3-4 năm nữa chúng đổi thầy, đổi đời thì sao, phải chuẩn bị cơ hội cho chúng. Mấy thằng boy sung sức thì em lại giới thiệu những cây vợt gỗ 7 lớp mõng <6mm, dán mút bọt khí chậm và cứng cả hai càng (bên Bh có thể mềm hơn, bám và nãy hơn tí). Bố của bọn chúng muốn chơi thì em lại giới thiệu cốt gỗ 5 lớp dầy >6.5mm loại cứng, nhưng dán mút mềm và ít bám. Về nhà hai cha con tập luyện – em dặn dò – không nên đổi vợt với nhau. Đám bé gái thì em cho vợt nảy hơn, đứa nào khéo tay em dám cho xài vợt ALC luôn bởi vì cái chúng thiếu là sức đánh, nếu phát lực đúng rồi mà bóng vẫn còn đi chậm thì lúc này nên đổi vợt - mút cũng mềm và nãy hơn đám con trai. Ra đấu, đứa bé gái bằng tuổi bằng thời gian tập sẽ thắng đứa con trai dễ dàng, vì chúng kỹ bóng và có tập trung hơn, vũ khí cũng nhanh hơn – trong thời gian 2 năm đầu. Những đứa đánh rơ mới, rơ lạ (gai công, thìa, gai thủ,…) sẽ được áp dụng vũ khí ngay sau khi đánh hư cây vợt đầu tiên – nhưng tốc độ của vũ khí cũng rất chậm và hoàn toàn không quái dị (gai loại hiền nhất) để có thể tập chung với nhau dễ dàng.

 

bb59

New Member
bài viết wa hay e đọc mà không dám bỏ sót chữ nào. Và cũng đang mong tới hồi kết, vì e mới tập chơi và cũng đang trong "wa trình" chọn "vũ khí" :D
 

P-500

Top Contributor

3. Xác định vũ khí


a. Cốt vợt


Bây giờ chúng ta bắt đầu đi sâu vào cấu trúc và sự kết hợp cốt+mút cho ra vũ khí.Đối tượng là người Vn ở Vn, mới tập chơi và có thầy hướng dẫn – những ai tự tập không thầy cũng sẽ được các bậc “chú bác” nói ra nói vào, chỉ dẫn và can thiệp tận tình vào kỹ thuật cũng như lối chơi. Nếu hlv vẫn muốn vdv chơi rơ xưa, cốt cứng đánh ôm bàn, thì nên xài cốt gỗ 5 lớp dầy >6.5mm (cỡ Mazunov) nhưng chậm tầm All cho tới Off-. Độ dầy cao sẽ cho cảm giác cứng (stiff) ít rung nhưng vẫn có đủ cảm giác bóng, tốc độ chậm để tập phát lực và đánh an toàn chính xác trước. Nên xài cốt có cấu trúc lớp giữa dầy, gỗ mềm, hai lớp ngoài mỏng gỗ cứng. Không nên xài cốt 7 lớp cấu trúc Clipper vì tốc độ cao quá, lại cho quá nhiều cảm giác (lúc này chưa cần lắm, nhưng nếu tập đúng thì sau khi đánh 1-2 năm sẽ rất cần). Theo lối chơi “truyền thống” của Vn (và cả Tàu trước đây) thì bên Bh sẽ cần mút mềm và nãy hơn, vì đòn tay ngắn hơn. Mút bên Fh cần cứng để chịu được lực khủng của đòn Fh thẳng tay. Ở trình độ “mới tập chơi” thì cú Fh vẫn chưa mạnh và chính xác, thời điểm (timing) đánh còn lung tung, cho nên mút cần phải chậm và cứng, ít bám xoáy, để cú giật có sai sót vẫn vào bàn. Mút bên Bh cần phải mềm hơn bên Fh, bề mặt nên nhạy xoáy một tí, sponge bọt khí càng tốt nhưng đừng nảy quá. Ở đây có 2 lựa chọn, tùy vào lối chơi: chặn đẩy và bắn, hoặc là lên xoáy rồi giật ngắn tay. Nếu chơi rơ bỏ càng trái, chặn đẩy là chính thì nên lấy mút ít bám xoáy, bề mặt lì và mềm hơn – tuy nhiên em không ủng hộ lối chơi này, xài mút nhạy xoáy vẫn làm được rất nhiều chiến thuật, tuy ban đầu có khó hơn tí. Rơ hiện đại chơi mút Bh hơi cứng hơn xưa, mút rất nhạy xoáy để có thể đánh nhiều kỹ thuật, bẻ xoáy lắc léo đủ trò. Vì định hướng cho tương lai 5-10 năm tới nên em dũng cảm đề nghị bỏ kiểu chặn đẩy mượn lực Bh kiểu xưa, kỹ thuật Bh hiện đại mang tính chủ động hơn mới có thể tạo điều kiện để đại pháo bên Fh phát huy.


Cấu hình vũ khí này vẫn đảm bảo được yêu cầu về kỹ chiến thuật mà hlv đề ra. Cốt gỗ 5 lớp dầy >6.5mm dù là All vẫn có thể đánh các cú giật xung tốc độ cao, dễ phát lực hơn cả cốt carbon nhiều. Nếu hlv cần cốt "không rung" thì chỉ cần lựa vợt dầy, thông số độ cứng mỗi cây vợt đều có, nhưng nhìn độ dầy chắc ăn hơn - vì ai nói cốt "không rung" nhưng nhìn mỏng lét thì, có lẽ nó không đàn hồi, nhưng yếu xìu. Hlv cũng đòi hỏi cú giật xung "có chất lượng", thế thì tìm cốt dầy và già, đi kèm theo tuổi già là sự dẽo dai (em cũng già rồi đấy các bác ạ, nên biết về vụ này, hehe) và cân nặng - cốt nặng dù không già thì cú đánh cũng có "trọng lượng" hơn. Mới tập chơi thì chuyện cốt nặng và già nên bỏ qua một bên, nếu yêu cầu về kỹ thuật và thời điểm đánh vẫn chưa được thỏa mãn - điều em cần nhấn mạnh ở đây là: thay vì tìm tốc độ ở lớp carbon, ta có giải pháp hay hơn rất nhiều là tìm cốt gỗ dầy và già hơn. Nghịch lý ở chổ này, hlv đòi giật mạnh nhưng phải đúng kỹ thuật, còn ta chơi ăn gian tìm cốt và mút nhanh để cú giật không hội đủ lực nó vẫn mạnh! Nên nhớ rằng "không có con đường tắt" bởi vì "đường thẳng là con đường ngắn nhất". Cầm vợt gỗ 5 lớp Allround có thể giật mạnh và xoáy hơn cốt carbon hay Mazunov Off+ rất nhiều, đặc biệt là người mới tập chơi, tại sao? Các bác thử đi rồi tự trả lời, em bỏ ngõ câu hỏi này cho các bác.


Nếu là bé gái hoặc phụ nữ yếu sức thì nên xài cốt mỏng hơn, để dễ phát và kiểm soát lực - cùng một lực đánh thì cốt mỏng hơn sẽ cho cảm giác nhiều hơn đến tay cầm. Có thể bù vận tốc thiếu hụt (do cốt mỏng hơn) bằng cách dán mút có tốc độ cao hơn, hoặc xài vợt có lõi inner fibre (lớp fibre này phải ở gần lõi, không nên ở lớp ngoài) - hoặc nếu tìm được cốt gỗ già thì quá ngon. Người ta cho rằng rơ nữ ôm bàn nên xài cốt 7 lớp cấu tạo như Clipper sẽ hay hơn, nhưng mới chơi chưa quen phát lực rất khó xài, sẽ không học được cách đánh dựa trên cảm giác - chạm dính bóng rồi mới phát lực. Rơ nữ ngày nay ít ai chơi một càng lắm, cũng ít ai lùi xa bàn hoặc dựa vào cú Fh. Bản chất chung của nữ là khéo léo dẽo dai, nhưng thiếu sự bạo lực - điểm này nếu định hướng sai sẽ dẫn tới suy nghĩ rằng nên tìm cốt cực nãy cho em nó xài, để bù vào chổ thiếu sức. Nếu tính theo lối đó thì gọi là "lấy thừa bù thiếu" nhưng chẳng phát huy được sở trường của phái yếu, giống như gái Nga Mi đi luyện bí kíp và sữ dụng quyền trượng của Thiếu Lâm vậy. Cái thực sự cần thiết không hẳn là tốc độ, mà là sự biến hóa lắt léo cộng với sự hài hòa giữa xoáy và lực. Nhìn đám CNT nữ, JNT và KOR nữ luôn có cú Bh ôm bàn (giật và bắn) kiểu hiện đại nhưng Fh không lấy cú giật xung làm chủ đạo - mà là giật moi xoáy kết hợp cú bạt xéo vào cạnh bàn.


Một đặc điểm quan trọng của cốt vợt mà ít ai để ý tới, đó là độ Cân Bằng. Chúng ta thường nghe nói rằng vợt này nặng đầu, vợt kia cân bằng hơn, vợt nọ đánh ôm bàn còn loại kia hợp với tầm trung xa bàn. Cũng ít ai quan tâm đến kích thước của đầu vợt khi bắt đầu chọn vợt tập chơi. Thỉnh thoảng chúng ta cũng nghe các hlv khuyên rằng "cốt này nặng đầu khó chơi lắm, cốt kia cán rỗng có cảm giác kỳ lắm,...". Bởi vì cốt nặng đầu đánh xa bàn tốt hơn trong bàn, còn ông hlv ấy lại chuyên đánh ôm bàn. Hồi mới tập chơi em mong muốn tìm cây vợt to như....cây quạt mo, để đừng đánh hụt bóng, và tự hỏi tại sao người ta không làm vợt to đầu hơn cho người mới tập chơi? Thật ra là có đấy, các vợt kiểu classic 5 lớp mỏng thường được làm to đầu hơn tiêu chuẩn (1-3mm bán kính), sau khi dán mút vào các bác sẽ cảm nhận là nó nặng đầu, quăng tay giật Fh rất đã - nhưng bù lại rất yếu nếu chặn đẩy Bh và giật ôm bàn ngắn tay. Người ta làm ra vợt to đầu là có mục đích, thường là cho người chơi allround hay phòng thủ, để ít trật bóng hơn, nhưng mấy nhà SX ấy nhắm vào thị trường Châu Âu - đa số người mới tập chơi đánh xa bàn và chủ yếu là đánh cho vào bàn chứ không có ôm bàn giật ầm ầm như VN. Vợt to đầu thường có cán thon và đàn hồi nên cảm giác sẽ tăng thêm phần "rung rẩy", các hlv nhà ta thường chê. Mới tập chơi nên lựa vợt gỗ non, vừa ít nhún vừa dể phát lực, nếu có to đầu thì cũng nhẹ chứ không bị mất cân bằng. Vợt nhỏ đầu cũng nhiều, cảm giác đánh sẽ cứng hơn, thích hợp với rơ ôm bàn - nên tham khảo các thông số kích thước trước khi quyết định.

 

P-500

Top Contributor

b. Mút hai bên


Nếu đánh rơ hai càng đều nhau thì vdv nên xài một loại mút cho cả hai bên, nhưng nếu chơi khập khểnh (7/3 hoặc 8/2) thì hai mút cũng phải khác nhau - đó là dấu hiệu nhận biết rơ đánh của vdv dựa trên mút vợt. Người mới tập chơi cũng vậy, hlv đã xác định là đánh 1 càng (Fh) thì nên nghĩ tới cánh còn lại sẽ phải chơi thế nào. Như ở phần 2 chúng ta đã nhắm tới nhóm mút chậm và ít bám - một phần cũng vì độ bền. Hãy để ý mà xem, các bác thay mút bên Fh hay Bh đồng thời hay trước sau khác nhau? Thời lượng tập cho Fh và Bh có như nhau không, lực đánh Fh và Bh khác nhau ntn? Nếu giật Fh được tới 5 quả mà Bh chỉ đánh cái được cái mất thì rõ ràng là đã tập luyện mất cân bằng - lúc này thì mút sẽ đóng vai trò điều hòa lại, nhưng đừng lạm dụng. Mút chậm và ít bám thì cũng chậm hư hơn, nó bền hơn nhóm mút mềm bám bóng đáng kể.


Phải xác định là sẽ chơi mút gì, loại tension đời cũ, mút Tàu, mút bọt khí hay mút gai? Những nhóm mút này đều có loại dành cho người mới tập chơi, và giá cũng rẽ hơn nhiều lắm. Thời đại này mà chúng ta vẫn thường nghe các hlv khuyên học trò mới chơi nên sắm mút Sriver và MarkV vì lý do mới tập chơi! Thử hỏi gắn 2 miếng này vào thì tập kỹ chiến thuật gì đây? Loại mút tension xưa vẫn có những loại chuyên dành cho người mới tập chơi, đảm bảo đủ các kỹ thuật mà giá lại rẽ nữa. Tuy nhiên, theo đề xuất của em thì ta dạy bóng bàn cho thế hệ mới, chứ đâu phải cứ "ăn mày dĩ vãng" mà cho tụi nó tập mút và rơ của 50-30 năm về trước? Mút bọt khí của Tàu sản xuất có đủ tính chất cần thiết cho rơ mới tập chơi (chậm và cứng, ít booster, bề mặt lì), lại rẽ và bền nữa. Loại mút bọt khí này nằm giữa mút Tàu kiểu xưa và mút bọt khí hiện đại, sau khi tập chơi hoàn thiện kỹ thuật thì có thể bước qua loại mút Nhật hoặc nhảy sang Tàu tùy ý. Nếu muốn chơi mút Tàu thì đã có những miếng "lai Tàu" đánh rất ổn định không đòi hỏi phải boost hay cần kỹ thuật đặc biệt gì cả, điều đáng nói là giá cũng chúng cực kỳ rẽ. Những loại mút Nhật và Đức nhưng made-in-china cũng đánh rất ngon, đặc điểm chung là bám bóng và chậm.


Những miếng mút bọt khí công nghệ Bios thời kỳ đầu khá bền và ít nãy, bề mặt cũng lì lì chứ không nhạy xoáy như những loại sau này - điều đáng chú ý là giá cả hợp túi tiền vì những loại ấy ít được ưa chuộng trên thị trường chuyên nghiệp của TG. Những ông coach Tây rất thích gắn những miếng kiểu này cho học trò mới học cho tới trung cấp. Theo em thì những miếng này rất phù hợp cho Bh (nếu là loại mềm) và nếu xài cho Fh thì nên lấy loại cứng hơn - điểm đặc biệt của những miếng này là, hễ cứng hơn thì chúng sẽ nãy hơn nên cũng khó cho kỹ thuật Fh. Theo định hướng từ lúc đầu thì chúng ta chủ trương rơ 1 càng rưỡi, nên cần mút Bh nãy hơn và cho thêm khả năng đánh cú Bh hiện đại (giật ngắn tay kết hợp bắn - khó đoán tốc độ và xoáy). Mút thích hợp cho kiểu đánh này (cho tới nay 2015) vẫn phải là mút lót bọt khí cứng trung bình có topsheet mềm nhạy xoáy - dĩ nhiên không cần phải là Tenergy. Những bác có kiến thức về vũ khí sẽ tranh luận rằng loại mút này cực kỳ dở khi đở giao bóng hoặc chặn đẩy, và nó không thuộc nhóm "mút cho người mới tập chơi". Đúng là loại này rất ăn xoáy và chặn đẩy bị bung lên khá cao - nếu xài kỹ thuật của 30-50 năm về trước. Ngược lại, nếu xài đúng kỹ thuật ngay từ đầu thì nên áp dụng loại mút này ngay khi đã bắt đầu có cảm giác bóng, và đánh đúng kiểu của nó thì chuyện đở giao bóng trở nên cực kỳ đơn giãn; chẳng những vậy mà còn có thể tấn công quả giao bóng bằng cú flick. Tuy mút này chặn đẩy rất kém nhưng nếu tay không chỉ ngửa vợt chặn mà tạo xoáy giật demi thì có ngay một cú phản công mà ngày xưa cha ông chúng ta nghĩ rằng: chỉ cao thủ mới làm được!


Sự phát triển của kỹ thuật đã rút ngắn cho chúng ta rất nhiều thời gian tập luyện, phải biết tận dụng nó đúng cách. Tenergy và mút bọt khí là một bước đột phá trong công nghệ, ảnh hưởng lớn đến kỹ thuật bóng bàn. Những miếng mút hiện đại này cực kỳ "dễ tánh", tha thứ cho rất nhiều lỗi lầm của người mới tập chơi: đánh thế nào cũng vào bàn và có xoáy. Thế hệ chơi Sriver và MarkV không bao giờ có thể tưởng tượng nổi một đứa học mới có nửa năm lại có thể giật trái phải cực mạnh và xoáy, còn có thể đối giật tốc độ cao và rất đều! Cùng khoảng thời gian ấy, ngày xưa em vẫn chưa học tới kỹ thuật giật moi, phải cố gắng tập cách tạo xoáy, ma sát bóng cho mỏng! Bởi vì sự dốt nát và kỳ thị ấy, em đã cắt mất cái phần tên mút để học trò yên tâm xài...mút Tàu. Nghe tới Mút Tàu thì nhiều người vẫn còn nghĩ tới một loại mút cứng như đá, chảy nhão nhẹt và đánh không đi - xưa rùi....Diễm! Ngày nay mút Tàu khá nãy và nhẹ, công nghệ sponge đã tiến rất xa, nếu kết hợp cốt mút đúng cách thì người mới học chơi như cầm được bảo kiếm: muốn nhanh chậm, xoáy ít nhiều gì cũng được. Mút gai công cũng vậy, dân ta kỳ thị gai cứ như là Tà Đạo vậy, rằng chỉ có người hết gân hoặc yếu cái gì đó mới phải đánh gai. Thật ra gai công rất dễ đánh, nhất là những miếng mút Tây. Mới tập chơi nếu theo lối huấn luyện "chưa cần tạo xoáy" thì gai công bên Fh là lựa chọn tốt nhất, vì sau đó khi chuyển qua mút bọt khí các vdv ấy sẽ có cú giật Fh rất mạnh và chính xác. Gai công lót mềm cũng là loại mút dễ tánh: không bị ăn xoáy, khi đập bóng tự động có xoáy, dễ tạo xoáy khi giao bóng.

 

P-500

Top Contributor

4. Chọn loại vợt và mút


Bây giờ tới phần chọn thực tế, nghĩa là chúng ta đã có cái hướng và thiết kế combo, giờ thì móc tiền ra chuẩn bị mua. Nhưng thị trường tràn ngập đủ nhãn hiệu và chủng loại, em nào cũng đẹp biết rước em nào? Không phải chỉ có các bác "mới tập chơi" bị rối trong cái mê hồn trận này đâu, dân sành điệu lâu năm cũng lạc lối như thường. Hãng nào cũng liên tục tung ra các sản phẩm mới (dĩ nhiên giá cũng mới) chừng 5 năm không cập nhật thị trường là cứ như lạc trong đám rừng. Do sự hấp dẫn ma quái của quảng cáo mà nhiều người đi sắm những cây vợt "chả biết để làm gì" mà cũng chả biết vì lý do gì, tự nhiên đọc review thấy hợp quá liền mua ngay. Nhiều bác PM hỏi em kiểu câu hỏi thế này "đang phân vân giữa YEO, Rosewood V và Mapplewood V, nhờ bác cho ý kiến..." thì em còn có thể làm việc được. Nhưng có bác lại đặt vấn đề thế này "giữa YEO, Vis và Clipper Wood không biết chọn cái nào" thì em cũng đành bó tay - vì bác ấy chỉ thích mua chứ không có nhu cầu chính đáng. Có bác cho rằng "cấu trúc vợt classic khó kiếm ở VN" hoặc "không biết cấu trúc đó là cây nào? Bác chỉ cho em tên vài cây với...". Cốt vợt chẳng những đa dạng về hình thức, nó còn khác biệt nhau về mặt chất lượng nữa, cho nên bác nào hỏi rằng "cây X đó đánh thế nào, em chơi kiểu ABC vậy đánh cây XYZ có hợp không?" - dựa trên cây X em đang có thì có thể đánh rất hay, nhưng chưa chắc cũng cây X bác đang cầm có chất lượng giống của em hay không. Cốt chênh nhau 5gr đánh đã khác lắm rồi, đằng này chênh lệch đến 10-15gr thì miễn bàn. Những câu hỏi này em đành khuất lại, vì không thể cứ trả lời mãi được, bác nào có cùng thắc mắc thì xin xem tiếp phần dưới nhé.


Ai cũng biết rằng các cao thủ chuyên nghiệp ở VN chơi Sadius trong một thời gian rất dài (trước 1990 cho tới nay), nên cấu trúc Sad+Bryce hay Sad+Calibra,...tạm được gọi là "chuẩn" cho giới cao thủ VN. Hoặc cấu trúc Vis+H3+T64 cũng là chuẩn của CNT, TBS+T05 là chuẩn của Tây. Thế mà dạo này trong giới phong trào lại xuất hiện những kiểu hình mới cũng xưng là "chuẩn", chả hiểu nó lấy theo tiêu chuẩn nước nào nữa. Trong phạm vi topic này em muốn tìm một giải pháp vũ khí cho người mới tập chơi, em không mong muốn nó lại trở thành một "chuẩn" bậy bạ nào đó. Bởi vì cái combo đó là bước thứ 4-5 của cả một quá trình dài xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ và khách quan, chỉ cần đổi chút ít ở 1-2 thì cả cái seri sau đổi hết. Rào đón như thế chứ nếu không sau này các bác lại bảo rằng P-500 nói cái combo này là chuẩn lắm!

 

P-500

Top Contributor

a. Chọn vợt


Vợt 5 lớp thường có cấu trúc như sau:


Limba/Koto - Limba/ Sprouce/Koto - Ayous/Kiri/Balsa - Limba/Sprouce/Koto - Limba/Koto


Một số loại vợt rẽ tiền chế tạo sẵn với mút được làm 5 lớp bằng gỗ Basswood. Một số vợt 5 lớp toàn bằng Ayous - mắc tiền hơn Basswood một tí. Cấu trúc classic là loại có lớp giữa dầy, hai lớp phía ngoài mỏng hơn khá nhiều, tổng cộng dưới 6mm. Lớp ngoài cùng khá đa dạng, sau này người ta còn xài gỗ Walnut, Hinoki hoặc sang hơn là xài các loại hardwood như Ebenholz, Rosewood, Bloodwood, Maple,...


Cấu trúc [Limba - Limba - Ayous - Limba - Limba] thường thấy nhất, vì dễ chơi nhất.


Cấu trúc [Koto - Sprouce - Ayous - Sprouce - Koto] cũng khá nổi tiếng vì cảm giác chính xác và đủ nhanh.


Lõi Balsa thì cho tốc độ cao hơn, nhẹ và dầy hơn nên cũng "ít rung" hơn, ôm bàn đánh dễ hơn các cây lõi Ayous.


Một số cây có lớp đệm là Koto thì cảm giác rất cứng (vd. Oh Sang Eun, Joo Sae Huyk). Một số cây có cấu trúc đặc biệt hơn, như Violin có 2 lớp White Ash ngoài cùng khá cứng và dai nhưng bù lại dầy có 5.5mm.


Vì các cấu trúc này được nhiều người thích cho nên hãng bóng bàn nào cũng sản xuất rất nhiều, cấu trúc quá dễ làm. Có đủ loại khác tên nhau nhưng cấu trúc y chang, hoặc thay đổi chút xíu (khác hình dạng và kích thước đầu, khác cán hoặc dầy mỏng hơn tí,...). Bác nào bảo rằng khó tìm những cây vợt có cấu trúc này ở Vn thì quả là...làm biếng, bởi vì ngay cả cây Acoustic và Violin mà Vn cũng không có thì làm ăn gì nữa. Thế nhưng mới tập chơi thì không nên xài hai cây này làm gì, uổng tiền. Điểm qua 2 cây vợt best-seller trên TG là cây BTY Primorac Off- và cây Donic Appelgren Allplay, nhưng đó là thời Tàu còn đóng cửa. Hiện nay, chỉ cần hai hãng Galaxy và 729 thôi là đủ cả mọi loại vợt, kể thêm Palio và Giant Dragon nữa thì chỉ có ngộp thở, tên Double Fish và Double Happiness chỉ xếp hàng tít phía sau. Điều đáng nói là họ tự hào made-in-China và bán giá rất rẽ, so với những tên tuổi lớn như BTY, Yasaka, Stiga, Donic, Joola. Tập chơi lâu như em cũng chẳng bao giờ thèm ngó tới chữ made-in-Sweden, bởi vì thứ nhất vợt Tàu thiếu gì cây tốt còn hơn vợt Sweden. Thứ 2 - quan trọng hơn - ở Tàu có nhiều nhà máy làm gỗ (wood house) lấy tên là Sweden lắm (chọn đặt tên gì mà chả được). Bọn Yasaka, Stiga, Donic, Joola,...và nhiều hãng khác, dán cái chữ made-in-sweden nhưng không ai biết rằng Sweden nằm ở Trung Quốc! Nói ra sợ mất lòng nhưng đã chọn vợt theo cấu trúc rồi thì cái tên tuổi và danh tiếng của nhà SX nên dẹp qua một bên - ngay cả BTY còn có nhà máy bên Tàu nhưng vẫn đóng tem JTTAA đó thôi.


Mới tập chơi nên tìm mấy cái cốt vợt của Tàu tầm 10$-20$ mà đánh. Em nghĩ mãi mà không tìm ra nguyên nhân: dân ta chả lẽ không làm được cây vợt thô sơ đến thế? Chỉ là ván ép 5 lớp thôi mà, cốt Minh Nghĩa vẫn có người xài đấy thôi. Cốt vợt rẽ nhưng mà rất thích hợp với những người mới tập chơi, không quá nãy hay nhún, không nặng mà lại dễ phát lực, đánh với mút gì cũng được. Nhiều bác mới tập chơi đã quất ngay cây YEO, P-500 hay Wang Hao, (trước đó thì có mấy cây King của DHS) với lý do đây là cốt 5 lớp classic như em có viết. Mua mấy cây này đánh quá uổng tiền, bởi vì có nhiều cây cấu trúc y chang như giá chỉ tầm 25$-30$ mà thôi. Nhiều cây vợt vô danh nhưng đánh cực kỳ tốt, em lựa những cây giá tầm 15 dán 2 miếng mút thêm 15 nữa là 30AUD, vậy mà nhiều đứa mới tập chơi lại thích hơn bộ vợt bố nó mua ngoài 300AUD (Ishlion+T05, MM+MrV) - chỉ vì đánh dễ vào bàn hơn. Vợt Tàu thường làm dầy trên 6mm, nên có cảm giác đầm tay nhưng cũng có độ mềm của gỗ. Lưu ý vợt Tàu thường to đầu phần trên chứ không có hình quả trứng như cốt Nhật, họ thiết kế để nếu có cầm kiểu thìa vẫn đánh ngon. Cán vợt Tàu thường thon nhỏ, nếu thấy trơn tuột quá thì có thể quấn thêm dây vào.

 

ducmthai

Member
Hỏi ngay và luông, hihi. Cốt của Yinhe cây nào cấu trúc hãm lực dễ đánh theo rơ an toàn mà bác đã nhắc? Thêm nữa là cốt Tàu dày nên cầm hơi cấn tay, vậy cầm vợt kiểu gì thì chuyển từ FH sang BH dễ cho mấy cây này? Cảm ơn bác trước nhé!
 

P-500

Top Contributor
Hỏi ngay và luông, hihi. Cốt của Yinhe cây nào cấu trúc hãm lực dễ đánh theo rơ an toàn mà bác đã nhắc? Thêm nữa là cốt Tàu dày nên cầm hơi cấn tay, vậy cầm vợt kiểu gì thì chuyển từ FH sang BH dễ cho mấy cây này? Cảm ơn bác trước nhé!
Thế cấu trúc hãm lực là những cấu trúc nào, độ dày và kích thước đầu vợt thế nào, cán vợt ra làm sao? Nếu bác tự trả lời được những câu hỏi ấy, thì bác có thể tự do tung tăng mà lựa vợt.
http://eacheng.net/index.php?act=product&CategoryID=242
Còn bác hỏi thì em quăng ra cây này, đơn giãn vì...em thích:
http://eacheng.net/index.php?act=detail&ID=3847
Lưu ý rằng, trên Eacheng bảo nó lót carbon, nhưng thực ra là lưới thủy tinh.

Nếu cấn tay thì bác cứ dùng giấy nhám, vợt Tàu rẽ mà....
 

toiyeubongban

Top Contributor
Còn bác hỏi thì em quăng ra cây này, đơn giãn vì...em thích:
http://eacheng.net/index.php?act=detail&ID=3847
Cây này thử rồi nói chung là ngon không thua cây butterfly innerforce ZLF bao nhiêu mà rẽ hơn nhiều.

Bác P500 đã đưa mấy bác khung sườn nên chọn loại gỗ nào giờ thì bác lên google tra là xong thôi.

Mình gởi mấy bác link về composit list các loại vợt không thể kể hết được tấc cả loại vợt nhưng tương đối có những loại thông dụng. Những loại khác thì mấy bác cứ google là ra thôi.

http://ooakforum.com/viewtopic.php?f=43&t=7194

Một link nữa nói thêm về tính năng kết hợp của các loại gỗ bác nào muốn tìm hiểu thêm thì vào coi

http://ooakforum.com/viewtopic.php?f=43&t=12687&start=0

:beauty::haha::haha::haha:
 

P-500

Top Contributor
Hix, qua những forum về bóng bàn khác trên TG cứ như là tép ra biển lớn vậy. Còn trong cái ao làng nước mình thì chỉ biết một tí cũng xưng vương rồi!
 

toiyeubongban

Top Contributor
Hix, qua những forum về bóng bàn khác trên TG cứ như là tép ra biển lớn vậy. Còn trong cái ao làng nước mình thì chỉ biết một tí cũng xưng vương rồi!
Thật ra người việt mình rất giỏi nhưng thường rất ít thấy chia sẽ kinh nghiệm hay kiến thức mình có và nếu tranh luận thì cái tôi quá lớn nếu thua vẫn không thừa nhận là mình thua và học hỏi từ đó mà nghĩ rằng người kia muốn châm chích cá nhân họ thôi. Ai cũng nghĩ mình đúng mà không chịu cầu chứng điểm sai của bản thân thì sao khá nổi.
 

ducmthai

Member
Thế cấu trúc hãm lực là những cấu trúc nào, độ dày và kích thước đầu vợt thế nào, cán vợt ra làm sao? Nếu bác tự trả lời được những câu hỏi ấy, thì bác có thể tự do tung tăng mà lựa vợt.
http://eacheng.net/index.php?act=product&CategoryID=242
Còn bác hỏi thì em quăng ra cây này, đơn giãn vì...em thích:
http://eacheng.net/index.php?act=detail&ID=3847
Lưu ý rằng, trên Eacheng bảo nó lót carbon, nhưng thực ra là lưới thủy tinh.

Nếu cấn tay thì bác cứ dùng giấy nhám, vợt Tàu rẽ mà....


Thiệc nhanh, thiệc ngi hiển :p Nếu order và shipment eacheng và ttnpp ngon lành thì e sẽ ra cửa hàng cầm kiếm múa múa và múa, tại sao hàng tốt thì nó k lấy bán? toàn bán cho mình mấy thứ vớ vẩn
 
Top